Học lâm học để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

         Lâm học là một trong những ngành đào tạo có chất lượng cao và sau khi tốt nghiệp người học có cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Kết quả khảo sát nhiều năm cho thấy rằng có trên 95% sinh viên học ngành Lâm học có việc làm sau 3-5 năm ra trường. Hơn thế nữa, lĩnh vực lâm nghiệp hiện nay đang được thế giới quan tâm vì những giá trị to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường mang lại, đặc biệt là ở Việt Nam có gần 2/3 diện tích rừng và đất rừng nên có nhu cầu rất lớn trong sử dụng kỹ sư lâm học có trình độ cao, vì vậy đào tạo cán bộ chuyên ngành lâm học là rất cần thiết.

          Trong những năm gần đây, ngành Lâm học đang trở thành ngành học quan trọng và được nhiều trường chú trọng đào tạo. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu những thông tin về ngành Lâm học - một ngành học liên quan đến rừng và động thực vật có khả năng phát triển nghề nghiệp tốt đối với kinh tế vùng rừng núi, đồng bằng, khu vực miền Trung nước ta.

         Chương trình đào tạo ngành Lâm học trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức về sinh thái học, lâm sinh, kỹ năng thiết kế và trồng rừng, chăm sóc nuôi dưỡng rừng, khai thác rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý bảo vệ rừng; khả năng nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ lâm nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về sử dụng khai thác các tiềm năng kinh tế về rừng và gỗ mang lại, bảo đảm tính bền vững về môi trường và kinh tế mà vùng sinh thái mang lại. Kỹ sư Lâm học khi ra trường sẽ có kỹ năng về tiếp cận cộng đồng, biết thực hiện các hoạt động trong quản lý, thực hành nghề nghiệp, các chuyên đề lâm nghiệp, và phát triển nông thôn. Có tinh thần đoàn kết, chia sẻ với cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Sinh viên của Khoa đi học tập thực tế

      Cơ sở vật chất: Hiện nay, ngành Lâm học trực thuộc Khoa Nông Lâm Ngư của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Hệ thống cơ sở vật chất của khoa được trang bị đầy đủ, hiện đại từ lớp học, phòng thí nghiệm thực hành, nhà nuôi cấy mô hiện đại, hệ thống thư viện với hàng ngàn bản sách tài liệu tham khảo để phục vụ việc truy cập thông tin, tài liệu, ký  túc xá khang trang cho sinh viên ở...

Sinh viên của Khoa thực hành tại phòng thí nghiệm

       Cơ hội tiếp cận và nâng cao trình độKhoa Nông Lâm Ngư có kinh nghiệm trong đào tạo kỹ sư, cử nhân các ngành thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tỷ lệ có việc làm ngày sau khi tốt nghiệp cao, và có nhiều cựu sinh viên thành đạt trong các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp; Đội ngũ cán bộ giảng dạy kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ, Cơ hội việc làm lớn vì hiện nay đang thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao về lâm nghiệp; Khoa có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo và các Nhà tuyển dụng trong  giúp sinh viên có nhiều cơ hội học tập, thực tập nghề nghiệp và cơ hội xin việc cao ngay sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình học tại trường, sinh viên được đào tạo và làm việc thêm tại các đơn vị sản xuất lâm nghiệp để rèn luyện tay nghề một cách thường xuyên. Và sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học để định hướng khởi nghiệp cho bản thân sau khi ra trường.

Sinh viên của khoa là kiểm lâm viên khu bảo tồn

        Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp ngành Lâm học, sinh viên có thể đảm nhận những công việc liên quan đến lĩnh vực lâm học, làm việc tại các doanh nghiệp lâm nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về Nông lâm nghiệp và Phát triển nông thôn các cấp, các cơ quan nghiên cứu về lâm nghiệp, các trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm ở Trung ương và địa phương. Cụ thể, các bạn có cơ hội làm việc tại:

        Cơ quan quản lý Nhà nước: Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Cục lâm nghiệp, Chi cục kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông  quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông cấp Tỉnh, huyện, xã, các Trung tâm dịch vụ nông lâm nghiệp, các Công ty Lâm nghiệp, Sở tài nguyên và Môi trường, Dự án nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Bảo tồn tài nguyên; Các cơ sở sản xuất và chế biến liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ, cây dược liệu, Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia, Trung tâm quản lý và khai thác rừng, Công ty công trình đô thị…

Hình ảnh thực tế tại trại thực nghiệm của trường

          Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng quan về ngành Lâm học và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

 

 


Bài viết khác