Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế”

          Chiều 04/01/2023, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế” với sự tham gia của PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ - Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Văn Lang - người đã có nhiều kinh nghiệm công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (WoS/Scopus) của ngành khoa học giáo dục. Buổi Hội thảo diễn ra trên nền tảng công nghệ Microsoft Teams với hơn 100 cán bộ, giảng viên tham dự.

PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ - Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Văn Lang

            Buổi Hội thảo có sự hiện diện của TS. Nguyễn Đình Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng; TS. Trương Quang Ngân - Phó hiệu trưởng Nhà trường và hơn 100 cán bộ, giảng viên Nhà trường tham dự.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự Hội thảo          

           Hội thảo “Chia sẽ kinh nghiệm công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế” được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế nói chung, đặc biệt là các tạp chí thuộc danh mục Wos/Scopus trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên của Nhà trường. Qua đó, chương trình cũng giúp cán bộ, giảng viên tham gia có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn, tương tác, cách thức viết bài báo khoa học và cách thức công bố trên các tạp chí quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV.

          Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường đã giới thiệu khái quát về Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; những nét cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí và chia sẻ một số nội dung mà hiện nay Tạp chí còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế.

          Hiện nay, trên thế giới hiện có hơn 100.000 tạp chí khoa học được xuất bản hàng năm bằng Tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn các tạp chí để đăng bài. Việc tìm kiếm thông tin và quyết định đúng tạp chí phù hợp với đề tài là kỹ năng cấp thiết mà các nhà nghiên cứu, giảng viên phải trang bị trong thời đại khoa học công nghệ như hiện nay.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng phát biểu khai mạc

          PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ đã trình bày một cách khái quát về các nội dung như: cấu trúc một bài báo khoa học giáo dục theo chuẩn quốc tế; cần chú ý những điểm gì khi viết từng phần trong bài báo; một số kinh nghiệm trong công tác biên tập các bài báo về khoa học giáo dục…; đồng thời, PGS cũng giới thiệu hệ thống các tạp chí KHXH&NV quốc tế có uy tín; giới thiệu một số nhà xuất bản quốc tế có uy tín; chia sẽ một số thông tin, kinh nghiệm chuẩn bị nộp bài, viết và đáp ứng phản hồi khi tác giả gửi bài cho tạp chí quốc tế.

PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ chia sẽ

          Thông qua phần trình bày của mình, PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ đã tóm tắt toàn cảnh về việc xuất bản các công bố khoa học trong giai đoạn hiện nay theo thống kê của NXB Taylor & Francis Group, giới thiệu về quy trình xuất bản của bài báo (Article ‘Journey’), một số cân nhắc chính (key considerations) để lựa chọn tạp chí phù hợp với bài báo,… Bên cạnh đó, diễn giả còn phân tích thêm về mô hình xuất bản truy cập mở (OA Publishing Models) cũng như những lợi ích và thách thức của loại hình xuất bản này.

          Chia sẻ về những bí quyết để có được một bài báo khoa học chất lượng, PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ cho rằng người nghiên cứu cần đơn giản hóa nội dung bài viết theo hướng ngắn gọn, súc tích để thể hiện được những ý tưởng phức tạp một cách rõ ràng nhất. Ngoài ra, người viết cũng cần nắm bắt nguyên tắc trình bày bài báo khoa học theo đúng cấu trúc (IMRaD) với những phần chính nhằm đảm bảo nghiên cứu được trình bày một cách nhất quán, dễ theo dõi nhất.

          Tiếp đó, diễn giả đưa ra một số lời khuyên làm sao để có một tiêu đề bài báo hay, những lưu ý khi viết tóm tắt (abstract) và đặt từ khóa (keywords) cho bài báo, những vấn đề có thể phát sinh liên quan đến “đạo đức xuất bản” (publication ethics), quyền tác giả (Authorship),… Ngoài ra, PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ cũng nêu rõ những điểm quan trọng khi gửi bản thảo cho tạp chí, quy trình đánh giá, phản hồi nhận xét của người đánh giá, đặc biệt là các lý do phổ biến khiến bài báo bị từ chối và cần làm gì khi bài báo đã được chấp nhận.

          Mặc dù chỉ gói gọn trong 2 giờ trình bày nhưng các nội dung thông tin mà PGS.TS. Phạm Vũ Phi Hổ chia sẻ đã giúp cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên có thêm kinh nghiệm lựa chọn và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học phù hợp với khả năng của mình.

Tin bài: Ban truyền thông


Bài viết khác