Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Nghệ An hướng tới thành Trường Đại học Nghệ An

          Ngày 22/07/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2124/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An với quy mô hợp lý, đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất đạt chuẩn, cơ chế chính sách phù hợp, chất lượng giáo dục, đào tạo dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, thuộc tốp đầu cả nước.

          Ngày 25/07/2022 Hội Đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐT-ĐHKTNA phê duyệt “Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Nghệ An giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu: Đến năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An trở thành Trường Đại học Nghệ An đa ngành, đa lĩnh vực, hợp tác toàn diện với doanh nghiệp; hoàn thành kiểm định chất lượng Nhà trường và 50% các chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn quốc gia; đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ, kinh tế và nông nghiệp, chú trọng các hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đến năm 2030, Nhà trường phấn đấu tự chủ toàn diện; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; tham gia xếp hạng quốc tế về ảnh hưởng và sự đóng góp của cơ sở giáo dục đối với phát triển bền vững và có ít nhất 25% chương trình đào tạo tham gia đánh giá chất lượng theo bộ tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2035, Nhà trưởng trở thành cơ sở giáo dục đại học có chất lượng được xếp hạng các trường đại học có uy tín trong khu vực ASEAN.

          Sứ mạng Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là cơ sở giáo dục đại học công lập, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng ứng dụng; là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và cả nước.

          Tầm nhìn đến năm 2035, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An là cơ sở đào tạo định hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao KHCN có chất lượng và được xếp hạng các trường đại học có uy tín khu vực ASEAN. 

          Mục tiêu cụ thể của chiến lược:

          * Về đào tạo: Đến năm 2025 trường có các chương trình đào tạo tiên tiến; Mở các mã ngành đào tạo đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực về kinh tế và nông nghiệp cho cả nước; Phát triển quy mô đào tạo hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước; Liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước; đa dạng loại hình, phương thức, hệ đào tạo; đào tạo theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường công tác chuyển đổi số trong quản lý Đào tạo. Đến năm 2030, trường có quy mô đào tạo các hệ trên 20 ngành đại học và sau đại học với số lượng 5.000 sinh viên, sau đại học chiếm trên 10% tổng quy mô đào tạo của trường; có trên 10 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có nhiều chương trình đạt chuẩn quốc tế; thu hút được nhiều sinh viên nước ngoài vào học tại trường; sinh viên một số chuyên ngành đủ chuẩn học sau đại học tại các nước khu vực Đông Nam Á và Quốc tế;  Có 2-3 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài; xây dựng 10%-15% số chương trình đào tạo theo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng kiểm định quốc tế QS, AUN-QA để tham gia bảng xếp hạng. Đến năm 2035 trường có quy mô đào tạo trên 30 ngành đại học, sau đại học với số lượng hơn 12.000 sinh viên. Các chương trình đào tạo đảm bảo chuẩn chất lượng quốc gia và tiến tới đạt chuẩn quốc tế.

Kết nối - hợp tác với nhà sử dụng lao động là một trong những chiến lược quan trọng của Trường nhằm tạo việc làm cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường        

          * Về tổ chức - nhân sự: hoàn thiện hệ thống quản trị, thực hiện tự chủ toàn diện. Đến năm 2030 nhà trường có 45% tổng số giảng viên có trình độ tiến sĩ; có 15% giảng viên có thể giảng dạy chuyên môn bằng tiếng nước ngoài. Đến năm 2035 giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm tỷ lệ ít nhất là 50% tổng số giảng viên; có 25% giảng viên có thể giảng dạy chuyên môn bằng tiếng nước ngoài.

          * Về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế: Đến năm 2025, phấn đấu 02 lĩnh vực này của Nhà trường đạt trình độ khoa học trong nước. Hợp tác đối ngoại với các đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong Nhà Trường. Phát huy thế mạnh công bố quốc tế trong lĩnh vực Nông Lâm Ngư và lĩnh vực Kinh tế phấn đấu gia tăng số lượng công bố trên các tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus bình quân 15%/năm. Đầu tư phát triển loại hình dịch vụ khoa học và công nghệ phù hợp nhằm tạo ra mô hình, sản phẩm mang thương hiệu Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; Đẩy mạnh hợp tác đối ngoại trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đến năm 2030 trường trở thành trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của khu vực và quốc tế; tăng số lượng bài đăng trên các tạp chí quốc tế và sách quốc tế. Phấn đấu đạt tỷ lệ mỗi giảng viên có tối thiểu bình quân 0,3 bài báo quốc tế/năm đăng trên tạp chí quốc tế và sách quốc tế có chỉ số ISBN. Trong đó ít nhất 25% bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín (có chỉ số ISI, SCIE, Scopus); Tăng cường những công trình nghiên cứu liên quan đến các tiêu chí phát triển bền vững của thế giới để tham gia bảng xếp hạng THE impact ranking. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước Lào, ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc (lao động phổ thông và lao động chất lượng cao); Ký kết với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á tập trung trọng điểm ở Lào và Nhật Bản thông qua các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Đến năm 2035, lĩnh vực khoa học công nghệ của nhà trường phát triển theo hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; trường vào danh sách xếp hạng trường đại học trong khu vực và quốc tế.

          * Lĩnh vực người học và hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng: Xây dựng môi trường để người học được phát triển toàn diện về: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, sức khoẻ, kỹ năng và trách nhiệm xã hội; cung ứng các dịch vụ đào tạo và hoạt động thiện nguyện, kết nối phục vụ cộng đồng; chuyển giao khoa học và công nghệ đến nhiều địa phương trong nước và một số nước khu vực Đông Nam Á.

          * Về cơ sở vật chất: Đến năm 2030, cơ bản hiện đại hóa cơ sở vật chất kịp thời đúng theo xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng chuẩn quốc tế, thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật và công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, đáp ứng yêu cầu học tập nghiên cứu của sinh viên, học viên và giảng dạy của giảng viên, nghiên cứu viên.

          * Về đảm bảo chất lượng: Kiểm định chất lượng CSGD và kiểm định chất lượng CTĐT theo chuẩn quốc gia và khu vực; Tham gia vào xếp hạng các trường đại học trong nước và khu vực. Đến năm 2030 có 100% các chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn quốc gia; 10-15% chương trình đào tạo xây dựng theo các tiêu chí kiểm định chất lượng quốc tế QS, AUN-QA. Đảm bảo những tiêu chí đã lựa chọn để tham gia đánh giá xếp hạng THE impact ranking tiếp cận theo yêu cầu chỉ báo của tổ chức đánh giá.

Sinh viên khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh tham quan thực tế tại doanh nghiệp

Sinh viên khoa Tài chính Ngân hàng - trải nghiệm môi trường làm việc tại Ngân hàng Nam Á

       Sinh viên khoa Nông Lâm Ngư - với hoạt động kiến tập 

Học cùng doanh nghiệp của sinh viên khoa Kế toán - Kiểm toán 

          Như vậy, thực hiện các mục tiêu chính của Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Nghệ An giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2035” cùng với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc hình thành Trường Đại học Nghệ An, trên cơ sở sáp nhập các trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, trường Cao đẳng VHNT Nghệ An, trường Đại học Kinh tế Nghệ An là một chủ trương đúng và trúng phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã tuyên bố, tao được sức mạnh tổng hợp để phát triển giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Tin bài: Ban Truyền Thông


Bài viết khác