Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và một số kiến nghị

Theo báo cáo "Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Các mức tăng trưởng này khá cao so với mức dự báo tăng trưởng bình quân của thế giới là 2,2% . 

Có thể nói, đây là các mục tiêu khá cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều thách thức. Do vậy, để đạt mục tiêu đề ra, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Nhiều nhận định lạc quan

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, IMF và WB đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 lên 7-7,5%. Còn Nikkei Asia đánh giá, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, ngày 20-10-2022, kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ và sẽ là năm đầu tiên trong giai đoạn 3 năm dịch Covid-19, Việt Nam đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế đặt ra. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam nổi lên như điểm sáng cả về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng hóa và sự phục hồi thị trường. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu ước đạt 11,2 tỷ USD. 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Những thách thức

Năm 2023, Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Dù nền kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định cũng gia tăng khiến tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu có thể chậm lại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa có đột phá rõ rệt.

Là nền kinh tế có độ mở cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm mong manh, tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn; biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cùng với các căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp, Việt Nam đang đối diện với áp lực trong điều hành. Đặc biệt là giá hàng hóa, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam). Hơn nữa, dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi công tác phòng, chống dịch và năng lực y tế dự phòng còn không ít hạn chế.

Một số đề xuất

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra, theo các chuyên gia kinh tế, cần triển tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trong đó, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh - bền vững. Kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; gắn kết hài hoà tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…

Tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn, phấn đấu giảm dần bội chi. Tập trung xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính, các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp…

Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động…

Cần kiên định kiềm chế lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp, xử lý nợ xấu có hiệu quả. Tín dụng sẽ tập trung vào sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu, có giải pháp cải thiện mạnh mẽ sự mất cân đối trong quan hệ thương mại với một số thị trường có nhập siêu lớn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Từ phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải có những thay đổi, cải cách quản trị điều hành, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi... Phát triển mạnh các loại hình và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phải nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của người lao động Việt Nam bởi nguyên tắc chung trong quá trình chuyển đổi từ một nước thu nhập trung bình thành nước thu nhập cao đó là có một nguồn lao động được đào tạo, có kỹ năng cao. Đây chính là lực lượng lao động quan trọng tạo ra động lực phát triển cho doanh nghiệp, mà rộng ra là cho cả nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục thống kê (2022)

 2. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á (ADO, 2022)”

3. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2023), Báo cáo "Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023" 


Bài viết khác