Doanh nghiệp công nghệ Việt quan tâm gì khi ra nước ngoài?

          Vai trò của doanh nghiệp công nghệ hiện nay không chỉ ở công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện trong việc khai phá thị trường nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số kinh doanh ở nước ngoài hoặc có kế hoạch đi ra nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm nay. Do đó, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) đã thực hiện khảo sát với 63 doanh nghiệp công nghệ về thực trạng và mối quan tâm khi tham gia thị trường quốc tế.

          Kết quả cho thấy ba nhóm vấn đề các doanh nghiệp chú trọng nhất là thị trường, kinh phí và kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước. Trong đó, vấn đề thị trường như cơ hội, cách thức, chiến lược tiếp cận được quan tâm hơn cả với tỷ lệ 74,6%. Khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là các thị trường được ưu tiên lựa chọn khi vươn ra toàn cầu.

          Khảo sát trên được Vinasa công bố tại hội thảo ghi dấu 20 năm giải thưởng Sao Khuê ngày 28/2. Được tổ chức lần đầu năm 2003, Sao Khuê được đánh giá đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm Việt tiến ra toàn cầu. Qua 19 năm, đã có 1.443 nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ được vinh danh.

          Trước đó, tại hội thảo Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định từ sau giai đoạn Covid-19, nhu cầu chuyển đổi số đã bùng nổ trên thế giới, tạo ra thị trường lớn cho sản phẩm và dịch vụ công nghệ số. "Đây là thời cơ, cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải bài toán chuyển đổi số ở các nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số", Thứ trưởng Phan Tâm nói.

          Theo thống kê của Bộ đến cuối 2022, Việt Nam có hơn 1,4 nghìn doanh nghiệp Việt có sản phẩm đi nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp lớn với đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh về quy mô và tốc độ, doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây được đánh giá là bước khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.

          Lấy ví dụ với lĩnh vực gia công phần mềm, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định doanh nghiệp Việt trước đây chỉ làm một số công đoạn của sản phẩm theo đơn đặt hàng từ nước ngoài. Còn hiện nay, 50-60% doanh nghiệp gia công phần mềm đã làm toàn bộ sản phẩm như thiết kế, lập trình, thậm chí làm phần cứng.

                                                                                                                                                                                                                                         


Bài viết khác