Những điều Tân sinh viên nên biết trước khi bước vào giảng đường đại học

          Sinh viên năm nhất cần chuẩn bị gì, và làm thế nào để thích ứng với môi trường đại học ngay từ những ngày đầu nhập học. Đây có lẽ là điều mà hầu hết các Tân sinh viên đều đang quan tâm. Để có một khởi đầu tốt nhất cho hành trình 4 năm phía trước, chúng ta hãy cùng tham khảo những gợi ý trong bài viết này nhé!

Đọc càng nhiều càng tốt

          Những môn tại đại học rất khác so với thời phổ thông, nằm ở số lượng kiến thức và cả cách học. Tân sinh viên nên làm quen bằng cách mua giáo trình và các tài liệu liên quan, đọc trước ở nhà. Trong những bài giảng trên lớp và trước mỗi kỳ thi, bạn sẽ đỡ vất vả hơn trong việc ôn luyện vì đã đọc tài liệu rồi. Đối với những bạn đăng ký vào các đại học phân chia chuyên ngành sau khi trúng tuyển, việc này còn là căn cứ giúp bạn chọn được ngành phù hợp, đúng sở thích.

Xây dựng kỹ năng mềm

          Đại học là môi trường thúc đẩy sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ. Từ các bài tập nhóm đến nghiên cứu khoa học làm cùng giảng viên, khả năng thuyết trình, diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp bạn rất nhiều tại đại học.

          Ngoài ra, kỹ năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề cũng là phẩm chất quan trọng khi cần xin việc hoặc tìm một chỗ đứng trong thời gian thực tập. Để tránh bỡ ngỡ, năm nhất là thời điểm phù hợp để bạn học hỏi và tích lũy kỹ năng mềm cần thiết.

Học cách quản lý thời gian

          Sau kỳ thi đại học, nhiều sinh viên có tâm lý xả hơi khi bước vào đầu năm nhất. Bên cạnh đó, việc bắt đầu một cuộc sống mới tại môi trường năng động, tự lập vô tình khiến bạn dành thời gian chơi nhiều hơn học.

          Để không “chệch khỏi đường ray”, trượt môn liên tiếp hoặc kết quả bết bát, bạn cần học cách quản lý thời gian biểu cá nhân. Hiện nay, rất nhiều ứng dụng trên điện thoại tích hợp chức năng thông minh, giúp tân sinh viên giới hạn và quản lý thời gian sử dụng mạng xã hội, nhắc nhở lịch trình học tập. Bạn có thể tham khảo, đồng thời rủ bạn bè tham gia để xây dựng thời gian biểu lành mạnh.

Tìm việc làm thêm

          Học đại học cần nhiều chi phí, không chỉ tiền học mà còn tiền giáo trình, tài liệu, chi phí thuê nhà, sinh hoạt và tiền tiêu vặt khi đi chơi cùng bạn bè. Làm thêm sẽ là 1 lựa chọn không chỉ giúp giảm áp lực kinh tế gia đình mà còn giúp các bạn trở nên tự lập hơn và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường làm việc sau này.

          Bạn nên ưu tiên tìm những công việc trong trường hoặc xung quanh trường hoặc từ những người thân quen giới thiệu để tránh rủi ro bị lừa đảo. Ngoài ra, từ bài học quản lý thời gian, bạn cần cân bằng giữa việc học và làm. Nên nhớ tiền học lại cũng rất đắt, không nên đi làm để kiếm tiền học lại.

Biết cách giữ an toàn

          Tân sinh viên cần nhớ ngay cả trong khuôn viên trường, bạn không phải lúc nào cũng an toàn tuyệt đối. Do đó, bạn cần chú ý quan sát, cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, không nên đi đến những nơi vắng vẻ một mình. Ngoài ra, bạn vẫn cần giữ thói quen đeo khẩu trang tại nơi công cộng, rửa tay bằng xà phòng và hạn chế nói chuyện với người lạ.

Tham gia nhiều hoạt động

          Đại học cho sinh viên nhiều cơ hội để khám phá bản thân và thể hiện mình trong những trải nghiệm mới. Bạn nên tìm hiểu về các câu lạc bộ của trường, một số hoạt động tình nguyện, xã hội và đăng ký tham gia nếu thấy phù hợp. Việc này giúp bạn quen biết thêm nhiều bạn bè, mở rộng mạng lưới mối quan hệ trong học tập và công việc sau này.

          Tuy nhiên, bài học quản lý thời gian cần được nhắc lại một lần nữa: Nhiệm vụ chính của bạn là học tập, do đó không nên để các hoạt động này ảnh hưởng đến thành tích và quỹ thời gian dành cho việc học của bạn.

Tin bài: Phan Thị Hoa


Bài viết khác