Xử lý nhãn Hưng Yên ra quả trái vụ, giá bán gấp 5 lần chính vụ

       Thành công trong xử lý cây nhãn Hưng Yên ra quả trái vụ (thu hoạch xung quanh tiết Thanh Minh) mở ra rất nhiều cơ hội nâng cao giá trị, thu nhập cho nhà vườn.

Giá cao gấp 4 - 5 lần nhãn chính vụ

      Trước áp lực trồng nhãn thường gặp phải quy luật “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, vài năm gần đây, dựa trên thành tựu nghiên cứu cho cây nhãn ra quả rải vụ, nghịch vụ của Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai tại các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, nhiều nhà vườn ở Hưng Yên đã dùng chế phẩm Kaliclorat (KCL03) xử lý nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ, giúp tăng cao rất đáng kể giá trị quả nhãn.

Trong khi nhãn trà chính vụ hiện đang ra hoa, đậu quả thì vườn nhãn xử lý cho quả trái vụ ở xã Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) đang sắp thu hoạch được.

      Theo kết quả ban đầu cho thấy, sau xử lý Kaliclorat, cây nhãn trồng ở Hưng Yên có thể ra hoa vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, cho thu quả xung quanh tiết Thanh Minh (ngày 5 tháng 4 dương lịch), trong đó trà nhãn xử lý trái vụ có thể cho thu hoạch sớm nhất từ cuối tháng 3, trà muộn nhất thu vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 (dương lịch).

      Bà Lương Thị Lân (xã Hưng Đạo, Tiên Lữ) xử lý Kaliclorat cho 12 gốc nhãn Hương Chi (6 năm tuổi) từ trung tuần tháng 7 âm lịch (năm 2022), sau 45 ngày, số cây này ra hoa, đậu quả, cho sản lượng dự kiến khoảng 700kg, dự kiến sẽ thu hoạch vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch). Giá bán tuỳ theo thị trường thời điểm đó, nhưng chắc chắn không dưới 30.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần giá nhãn thu hoạch chính vụ tháng 8 hàng năm. Bà Lân nói chắc giá như vậy vì thời điểm thu hoạch trên, cam, bưởi, vải, xoài ở miền Bắc chưa thu hoạch, quả nhãn tránh được áp lực cạnh tranh.

Nhãn xử lý cho quả trái vụ ở xã Hiệp Cường (huyện Kim Động, Hưng Yên).

      Ông Dương Văn Tĩnh ở xã Hiệp Cường (Kim Động, Hưng Yên) cũng xử lý thí điểm Kaliclorat có tên thương mại K.C - MR200 cho 3 gốc nhãn Hương Chi (8 năm tuổi) và dự kiến cho thu hoạch khoảng 200kg quả, thời điểm thu hoạch dự kiến khoảng dịp lễ 30/4 và 1/5.

       Thành công cho cây nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ, ông Tĩnh rút ra kinh nghiệm: Thời vụ dùng Kaliclorat kích cây nhãn Hương Chi ra hoa đạt hiệu quả cao nên bắt đầu từ khoảng 15 - 30/7 âm lịch. Xử lý muộn hơn, nhãn sẽ cho thu hoạch trùng vụ thu hoạch vải lai U chín sớm, giảm giá bán, giảm hiệu quả đầu tư. Xứ lý sớm (trước ngày 15/7), quả nhãn phát triển dễ gặp phải thời tiết giá rét, hanh khô sẽ bị rụng, thất thu.

      Theo ông Đặng Văn Ứng, tổ trưởng tổ hợp tác nhãn Hiệp Cường (huyện Kim Động), tổ có 5 hộ xử lý cho nhãn ra hoa trái vụ, cho thu hoạch khoảng cuối tháng 3 âm lịch. “Nếu năm nay không nhuận tháng 2, thời vụ thu nhãn trái vụ sẽ lùi lại sớm hơn khoảng 1 tháng”, ông Ứng lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (phải), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thăm vườn nhãn trái vụ.

      Tại huyện Phù Cừ, ông Phạm Hồng Kê, thành viên HTX nhãn VietGAP Nguyên Hoà cho biết, HTX có khoảng 7 tấn nhãn trái vụ. Trong đó, ngày 01 tháng 2 (nhuận) vừa qua đã thu được trên 1 tấn quả, xuất đi Hải Phòng với giá 50.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần giá nhãn quả thu hoạch chính vụ năm trước. Sản lượng còn lại (khoảng 6 tấn) sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 4 này tới trung tuần tháng sau (15 tháng 3 âm lịch). Cùng thời điểm đó, xã Minh Tân (huyện Phù Cừ) cũng có nhãn cho thu hoạch khoảng 2 - 3 tấn quả.

Bước ngoặt đột phá về kỹ thuật canh tác nhãn Hưng Yên

      Đáng chú ý, bên cạnh sử dụng Kaliclorat xử lý cho giống nhãn Hương Chi ra hoa trái vụ, một số nhà vườn ở HTX nhãn VietGAP Nguyên Hoà còn dùng KCLO3 kết hợp với biện pháp thủ công truyền thống (khoanh vỏ, xiết cành) xử lý thành công cho giống nhãn T6 ra hoa đậu quả nghịch vụ. Giống nhãn T6 cho quả ăn rất ngon nhưng cũng rất khó “bắt quả”, kể cả vào chính vụ. Do vậy, việc xử lý thành công cây nhãn T6 ra hoa, đậu quả trái vụ được coi là bước ngoặt về kỹ thuật thâm canh nhãn ở Hưng Yên. 

Dù là nhãn trái vụ nhưng vẫn cho cùi dày, thơm ngon, ngọt sắc.

        Theo ông Kê, giống nhãn T6 khó “bắt quả” nhưng lại có khả năng chống chịu rất tốt, quả ít rụng khi gặp thời tiết giá lạnh, hanh khô so với giống nhãn Hương Chi nên ít mất mùa trái vụ. 

       Ông Nguyễn Bình Phương (chủ vườn nhãn chín trái vụ) ở xã Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ) kiến giải, việc một số hộ xử lý thành công cho cây nhãn ra hoa, thu hoạch nghịch vụ đã mở ra cơ hội giúp các nhà vườn có thể "sống khoẻ” bằng nghề trồng thâm canh cây trồng này, đẩy lùi các loại nhãn Thái Lan nhập vào nước ta, giảm áp lực sản lượng quả thu chính vụ, khắc phục triệt để hiện tượng nhãn ra quả cách năm. 

Thành công trong việc xử lý cho nhãn ra quả trái vụ đang mở ra cho người trồng nhãn ở Hưng Yên rất nhiều niềm vui.

        Bên cạnh đó, cũng có một số nông hộ không thành công trong việc dùng Kaliclorat xử lý ra hoa trái vụ cho cây nhãn, rất mong các cấp ngành chuyên môn, cùng Viện Nghiên cứu Rau quả sớm xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý cho cây nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ với từng giống hoặc nhóm giống cụ thể để các nhà vườn sớm có được “cẩm nang” rải vụ thu hoạch nhãn đạt hiệu quả cao hơn.  

       PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, Viện đang xây dựng quy trình xử lý ra hoa trái vụ/rải vụ cho vùng nhãn Sơn La. Với khu vực Hưng Yên, bà con cần rất thận trọng khi dùng Kaliclorat xử lý ra hoa cho cây nhãn, vì mỗi vùng sinh thái, mỗi giống nhãn khác nhau có yêu cầu kỹ thuật xử lý, thời vụ xử lý khác nhau, quy trình chăm sóc cây nhãn sau xử lý cũng có sự khác nhau.

Một trong các sản phẩm Kaliclorat thương mại dùng xử lý cho nhãn ra hoa trái vụ.

      Trên thị trường hiện có rất nhiều nhà sản xuất, đóng gói chế phẩm Kaliclorat theo các nồng độ, tỷ lệ, liều lượng và tên thương mại khác nhau, nhà nông phải lựa chọn đúng chủng loại chế phẩm Kaliclorat chất lượng phù hợp, được cung ứng từ các cơ sở sản xuất có uy tín. Tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả xử lý cho cây nhãn ra hoa.

     Trước mắt, với các vườn nhãn sau thu quả trái vụ, bên cạnh cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh, cần tăng cường bón phân đa lượng, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh nhằm phục hồi độ màu mỡ của đất.

                                                Hoàng Tiến (Theo Nông nghiệp Việt Nam)


Bài viết khác