Giải pháp xây dựng và phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG XANH TẠI VIỆT NAM

Tác giả: Nguyễn Thị Thư - Lớp: TCNH K7.01 

GVHD: CN. Lê Tú Anh

Tóm tắt: Bài nghiên cứu này đề cập đến khái niệm ngân hàng xanh, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của nó trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ở góc độ tổng quan nhất, bài viết cũng đề xuất giải pháp khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động ngân hàng xanh ở Việt Nam.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, đối với các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, phát triển bền vững đã và đang đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn cho vấn đề tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nó đòi hỏi mỗi quốc gia dù tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải gắn kết hài hòa với bảo vệ môi trường và xã hội. Đi theo xu thế đúng đắn này, tháng 9/2012, thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kì 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó khẳng định:“Tăng trưởng xanh là phương thức phát triển kinh tế bền vững, là chuyển đổi mô hình và cơ cấu lại nền kinh tế. Ba mục tiêu chính của chiến lược tăng trưởng xanh là giảm thiểu phát thải nhà kính; tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng phát triển theo chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên, tăng các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ; xây dựng lối sống xanh và tiêu dùng bền vững (xanh hóa đời sống).”

Trong quá trình xem xét các giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia nghiên cứu cũng như các nhà quản lý kinh tế vĩ mô đã chỉ ra rằng: Ngân sách nhà nước sẽ không thể nào đáp ứng đủ yêu cầu về vốn, bởi vậy cần phải huy động nguồn lực tài chính từ phía khu vực tư nhân. Trong đó, ngân hàng đóng vai trò là một nguồn lực tài chính quan trọng. Dễ hiểu điều này, bởi ngân hàng là nguồn cung ứng vốn cho các dự án lớn nhỏ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hơn nữa chính từ sự phụ thuộc về vốn, nhà nước có thể thông qua hệ thống ngân hàng khuyến khích đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường cũng như hạn chế các dự án gây ô nhiễm, độc hại. Sự tham gia vào quá trình thực hiện tăng trưởng xanh theo hướng này sẽ biến các ngân hàng từ những doanh nghiệp tài chính thông thường trở thành các ngân hàng xanh của nền kinh tế.

Xây dựng hệ thống ngân hàng xanh là cần thiết. Vậy nhưng sau 2 năm có Chiến lược tăng trưởng xanh, hệ thống ngân hàng xanh của Việt Nam hiện đang ở tình trạng nào? Cần những giải pháp gì để xây dựng và phát triển nó? Bài nghiên cứu sẽ tập trung thảo luận để làm rõ những vấn đề này.

II. NỘI DUNG

1. Ngân hàng xanh là gì?

1.1. Khái niệm ngân hàng xanh

Tại hội thảo “Tài chính và Ngân hàng xanh” tổ chức ngày 25/6/2013 dưới sự chủ trì của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng - đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã giải thích: “Ngân hàng xanh là các hoạt động, nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng nhằm khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải các-bon.” Cho đến nay, đây vẫn là khái niệm được sử dụng phổ biến nhất trong các bài nghiên cứu, bài báo về ngân hàng xanh.

Với khái niệm này, một ngân hàng xanh sẽ phải tích cực thực hiện nhiều các  hoạt động như khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ xanh; áp dụng các tiêu chuẩn môi trường khi duyệt vốn vay; cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án giảm các-bon, dự án về năng lượng tái tạo…

1.2. Giới thiệu bảng xếp hạng 10 ngân hàng xanh nhất thế giới năm 2013

Trên thế giới, “ngân hàng xanh” không còn là một thuật ngữ xa lạ. Ngược lại nó đã trở thành một trong những mục tiêu mà tất cả các ngân hàng lớn đều hướng đến để nhằm nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định uy tín của mình trên thị trường tài chính. Đây chính là lý do mà hàng năm, hãng tin kinh tế uy tín Bloomberg của Mỹ đều tiến hành xếp hạng và công bố top các ngân hàng xanh nhất thế giới. Hai tiêu chí xếp hạng cơ bản được tổ chức này sử dụng là:

- Sự đầu tư của ngân hàng vào các dự án năng lượng sạch

- Nỗ lực giảm thải và giảm dấu chân cacbon của chính ngân hàng

Tháng 9/2014, Bloomberg đã đưa ra danh sách 20 ngân hàng xanh nhất thế giới năm 2013, trong đó top 10 cụ thể như sau:

Hạng

Ngân hàng

Quốc gia

Điểm tổng thể

Điểm thành phần

Đầu tư năng lượng sạch

Giảm tác động môi trường

1

 Banco Standander

Tây Ban Nha

85.1

95.8

76.7

2

 BNP Paribas

Pháp

82.3

95.6

76.4

3

 Unicredit

Ý

81.8

94.3

69.4

4

 Royal Bank Of Canada

Canada

81.5

95

58.2

5

 Goldman Sachs Group

Mỹ

81.1

98.1

74.7

6

 Mizuho Financial Group

Nhật

78.8

83.1

77.2

7

 HSBC Holdings

Anh

78.7

97.7

59.2

8

 Mitsubishi UFJ Financial Group

Nhật

78.3

95

56

9

 SEB

Thụy Điển

77

79.6

71

10

 Credit Suisse Group

Thụy Sĩ

76.9

97.3

54.3

2. Vai trò ngân hàng xanh trong Chiến lược tăng trưởng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Tại hội thảo “Tài chính và Ngân hàng xanh”, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2012 cho giai đoạn từ năm 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ba nhiệm vụ cơ bản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra gồm: tăng trưởng cacbon thấp, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống. Bước đầu đang tập trung vào chín ngành công nghiệp chính như: xây dựng; vật liệu xây dựng; xi măng; dệt may; hộ gia đình; bột giấy và giấy; sản xuất điện; sắt và thép; giao thông đường bộ với tổng cộng khoảng 35 hoạt động và chi phí dự kiến khoảng 30 tỷ USD.”[1] Với lượng chi phí này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự kiến không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn cần sự tham gia của khu vực tư nhân với vai trò là nhà đầu tư và người tiếp nhận. Chi tiết hơn nữa, trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, bị hạn chế về năng lực tài chính thì ngân hàng xanh sẽ là một nguồn lực quyết định sự thành công của Chiến lược tăng trưởng xanh. Vai trò này đã được PGS.TS. Nguyễn Kim Anh - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh hội thảo “Tài chính xanh, ngân hàng xanh” như sau: “Đối với các quốc gia mới nổi như Việt Nam trong điểu kiện ngân sách còn eo hẹp và khó khăn, thì vai trò của tài chính và ngân hàng xanh có ý nghĩa hết sức quan trọng và phải được sự tham gia ngay từ đầu của các thành phần trong xã hội, bên cạnh các công cụ về chính sách thuế và chính sách tài khóa.”

3. Thực trạng xây dựng và phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

Theo những khảo sát và nghiên cứu gần đây, mặc dù đã có sự định hướng nhưng cụm từ “ngân hàng xanh” tại Việt Nam còn khá mới mẻ. Hầu như chưa có giải pháp nào cụ thể, thiết thực để giải quyết các vấn đề về tài chính xanh nói chung và ngân hàng xanh nói riêng trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Các ngân hàng thương mại truyền thống được nhận định chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh cho các nhà đầu tư. Thực trạng này xuất phát từ 2 nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, hầu như các NHTM chưa nhận thức sâu sắc được những rủi ro mà một dự án gây ô nhiễm có thể đem lại cho bản thân họ nếu họ tài trợ vốn cho dự án đó. Trong một thế giới đang đi theo xu hướng phát triển bền vững, những dự án không thân thiện với môi trường sẽ phải gánh chịu rất nhiều áp lực. Sản phẩm của dự án trước tiên sẽ không dễ dàng gì gia nhập vào các thị trường nước ngoài, nơi có hệ thống quy định, tiêu chuẩn về môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu rất khắt khe. Riêng ở thị trường trong nước, dư luận cũng sẽ không im lặng nếu như dự án làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức hành động vì môi trường… sẽ là những tác nhân lớn khiến cho dự án có thể bị tẩy chay hoặc đình chỉ. Và rồi dưới sức mạnh cộng hưởng của nhiều áp lực như vậy, phá sản, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi. Kết thúc này cũng tương đương với sự phát sinh những khoản nợ xấu tại các ngân hàng, nơi đã cấp tín dụng cho chủ đầu tư.

Hiểu biết chưa toàn diện khi đánh giá rủi ro đã làm cho nhiều NHTM không mặn mà với các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án thân thiện với môi trường. Bởi đơn giản, đây là những dự án sử dụng công nghệ mới, cần một lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Đương nhiên, cùng một khối tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu cung cấp tín dụng cho các dự án cần ít vốn đầu tư hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Nhưng đáng tiếc, đó lại là những dự án có thể tác động không tốt tới môi trường.

Nguyên nhân thứ hai chủ yếu xuất phát từ góc độ quản lý nhà nước. Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường với nguyên tắc xuyên suốt là “bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và đảm bảo tiến bộ xã hội”[2], “bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”[3] đã thể hiện rõ ràng quan điểm của Nhà nước trong các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, nội dung của luật này lại chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà hoàn toàn lãng quên trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng. Các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự (phần quy định về tội phạm môi trường) cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm. 

Năm 2012, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho biết: “Trong 75 ngân hàng thương mại, có 63% các ngân hàng tham gia khảo sát khẳng định có cân nhắc về vấn đề môi trường trong thẩm định tín dụng… Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng thừa nhận chưa có quy định chính thức hoặc hệ thống quản lý rủi ro môi trường.”[4] Sau đó, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thực hiện cuộc khảo sát tiếp theo. Kết quả thu được là “89% số ngân hàng tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành tài chính, 93% các ngân hàng cũng cho rằng cần phải có hướng dẫn về vấn đề này.”[5] Những thông tin qua 2 cuộc khảo sát chứng tỏ: Mặc dù có thực sự quan tâm đến môi trường hay không thì các ngân hàng vẫn không thể hiện thực hóa nó bằng hành động. Bởi họ gần như hoàn toàn mù mịt trong cách thức xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro môi trường, dẫn đến không thể đánh giá đúng và đủ chất lượng các dự án đầu tư. Thậm chí do không bị quy kết về mặt trách nhiệm, nên họ càng thờ ơ công việc này hơn. Khâu đánh giá tác động môi trường nếu như đối với các chủ đầu tư là một việc cần làm để xin giấy phép hoạt động thì đối với cán bộ tín dụng của các ngân hàng cũng chỉ mang tính chất hình thức, chiếu lệ trong quá trình thẩm định cho vay.

4. Một số giải pháp xây dựng và phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

4.1. Về phía Nhà nước

- Chính phủ cần thiết kế một khung pháp lí chặt chẽ về trách nhiệm môi trường và xã hội của hệ thống ngân hàng trong việc cấp phát tín dụng; Tiếp tục ban hành những quy định hướng các ngân hàng quan tâm sản xuất với chính sách môi trường một cách đồng nhất, chẳng hạn: Quy định buộc doanh nghiệp tuân thủ về việc lập báo cáo bền vững, hoặc tích hợp trong báo cáo thường niên; đưa báo cáo môi trường xã hội và quản trị doanh nghiệp trở thành một tiêu chuẩn niêm yết bắt buộc cho doanh nghiệp. Đây đều là những quy định hiện đang được Ủy ban chứng khoán nhà nước dự kiến bổ sung vào Luật chứng khoán sửa đổi lần 2.

Sự hoàn thiện về cơ chế pháp lí và quy tắc môi trường sẽ tạo ra động lực cũng như sự ràng buộc cho hệ thống ngân hàng đối với vấn đề “tăng trưởng xanh” của đất nước.

- Nhanh chóng ban hành hướng dẫn và bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường, xã hội để các ngân hàng thương mại có thể áp dụng. Thực tế, hướng dẫn và bộ công cụ này đã được Ngân hàng nhà nước nghiên cứu và lập dự thảo dưới dạng một thông tư và một bộ chỉ tiêu. Trong đó, thông tư sẽ quy định bắt buộc tất cả các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong hệ thống tuân thủ các nguyên tắc chung quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư; nguyên tắc chung về tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này ở các ngân hàng; mẫu báo cáo để các ngân hàng báo cáo định kỳ về ngân hàng nhà nước thực trạng và mức độ rủi ro môi trường, xã hội của danh mục đầu tư tín dụng. Còn bộ chỉ tiêu đánh giá rủi ro môi trường, xã hội được xây dựng chi tiết đối với 5 - 10 ngành cụ thể nhằm hỗ trợ thực thi thông tư. Mặc dù dự kiến ban hành vào tháng 6/2014 nhưng hiện nay ngân hàng nhà nước vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Do hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội là yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng ngân hàng xanh nên dự thảo được hoàn thiện càng sớm sẽ càng đẩy nhanh được quá trình trình này.

- Thực hiện tái cơ cấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Trong đó, chú trọng xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp, thúc đẩy hoạt động mua lại, sáp nhập nhằm nâng cao khả năng tự chủ tài chính của hệ thống ngân hàng.

- Đối với các ngân hàng thương mại này đã có hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội như Vietin bank, Techcom bank (sử dụng bộ tiêu chuẩn của Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế IFC), Sacom bank (xây dựng chính sách riêng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của IFC),...

 Ngân hàng nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các ngân hàng này có thể cung cấp các dịch vụ tài chính xanh cho dự án đầu tư. Thông qua đó, biến họ thành người tiên phong, đi đầu, tạo động lực kích thích xây dựng ngân hàng xanh đối với các ngân hàng thương mại khác.

4.2. Về phía các ngân hàng thương mại

- Không ngừng nâng cao hiểu thức, nhận biết về trách nhiệm của ngân hàng trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của nền kinh tế.

- Cần chủ động nâng cao năng lực tài chính của mình trên các phương diện chính như: vốn tự có, chất lượng tài sản, thanh khoản, khả năng sinh lời… Giải pháp này nhằm giúp ngân hàng nâng cao khả năng và sự sẵn sàng cung cấp các dịch tài chính xanh cho các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án thân thiện với môi trường - vốn chủ yếu là những dự án sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn trong thời gian dài.

- Chủ động tiếp cận với các dự thảo về hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội của Ngân hàng nhà nước. Cử cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn cao tham gia đầy đủ, nghiêm túc các hội thảo, chương trình tập huấn về đánh giá rủi ro môi trường, xã hội do Ngân hàng nhà nước và các tổ chức hỗ trợ thực thi tài chính xanh và ngân hàng xanh thực hiện.

III. KẾT LUẬN.

Như vậy, thực hiện ngân hàng xanh là nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế trong tiến trình thúc đẩy Chiến lược tăng trưởng xanh. Nó góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội như hạn chế ô nhiễm, ngăn ngừa hiệu ứng nhà kính, xóa đói giảm nghèo… Hệ thống ngân hàng xanh của Việt Nam hiện nay đang chập chững những bước xây dựng đầu tiên. Để có thể hình thành và phát huy tác dụng, về cơ bản Chính phủ nói chung và Ngân hàng nhà nước nói riêng cần phải phối hợp thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó quan trọng nhất là ban hành hướng dẫn và bộ tiêu chuẩn đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong thẩm định tín dụng. Hệ thống quản lý này sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại tham gia vào chiến lược tăng trưởng xanh với tư cách là những ngân hàng xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thái Hằng, 2014, Yếu tố then chốt để “ngân hàng xanh” phát triển bền vững, http://www.tapchitaichinh.vn

2. Huy Thắng, 2013, Để tín dụng ngân hàng hướng tới tăng trưởng xanh, http://baodientu.chinhphu.vn

3. Nguyễn Hữu Huân, 2014, Xây dựng ngân hàng xanh tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển & Hội nhập số 14, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh

4. Quỳnh Chi, 2013, Phát huy tìm kiếm nguồn lực tài chính và ngân hàng xanh, http://hanoimoi.com.vn

5. Christopher Martin, 2014, Santander Tops Green Bank List as Europe’s Lenders Surge, http://www.bloomberg.com

6. Thu Hương, 2013, Ngân hàng xanh là nguồn lực để thực hiện tăng trưởng xanh, http://www.taichinhdientu.vn

7. Nguyễn Khánh Linh, 2012, Hành lang pháp lý cho tín dụng xanh, http://daibieunhandan.vn

8. Đỗ Lê, 2013,  Tài chính và Ngân hàng xanh - Ai cũng muốn, làm có dễ?, http://finance.tvsi.com.vn

9. Phương Anh, 2014, Tín dụng xanh - xanh hóa môi trường, http://tainguyenmoitruong.com.vn

10. Nguyễn Quỳnh Hoa, 2014, Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Phát triển & Hội nhập số 14, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh


1] Trích bài báo “Ngân hàng xanh là nguồn lực để thực hiện tăng trưởng xanh”, tác giả: Thu Hương, Nguồn: www.taichinhdientu.vn

[2] Trích khoản 1, điều 4, Luật bảo vệ môi trường, số 52/2005/QH11

[3] Khoản 2, điều 4, Luật bảo vệ môi trường, số 52/2005/QH11

[4] Trích bài báo “Ngân hàng xanh là nguồn lực để thực hiện tăng trưởng xanh”, tác giả: Thu Hương, nguồn: www.taichinhdientu.vn

[5]Trích bài báo “Tín dụng xanh - xanh hóa môi trường”, tác giả: Phương Anh, nguồn: tainguyenmoitruong.com


Bài viết khác