Thực trạng bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam và một số giải pháp hạn chế

ThS. Bành Thị Vũ Hằng

Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh

          Theo báo cáo xã hội thế giới 2020 của Liên Hiêp Quốc thì hơn 70% người dân thế giới sống ở các quốc gia có sự bất bình đẳng thu nhập gia tăng kể từ năm 1990 (Liên Hiệp Quốc, 2020, Báo cáo xã hội thế giới). Tình trạng bất bình đẳng thu nhập diễn ra hầu khắp các quốc gia, từ những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Chi Lê đến các quốc gia phát triển như Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp. Ngay cả với Hoa Kỳ – quốc gia được xem là có nền kinh tế phát triển nhất thế giới thì cũng vì thế mà tình trạng bất bình đẳng thu nhập luôn ở nhóm quốc gia cao nhất thế giới. Hiện nay, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2020, cả nước có đến 31,8 triệu lao động (trong tổng số 54,6 triệu người) từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải giãn việc, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập (Lê Quốc Việt, 2020). Cụ thể, khoảng 68,9% người bị giảm thu nhập; gần 40% giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 14% buộc phải tạm nghỉ việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh (Lê Quốc Việt, 2020), phân hoá giàu nghèo tăng lên, khoảng cách thu nhập trong xã hội Việt Nam ngày càng gia tăng.  Điều này đang đặt ra một thách thức đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng đảm bảo công bằng xã hội mà Việt Nam đã đặt ra.

           Xét hệ số GINI của Việt Nam theo khu vực

          Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm (Tổng cục thống kê, 2021). Và trong Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới (Đảng cộng sản Việt Nam, 2021, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII). Những thành tựu về các chỉ số kinh tế đã có tác động lan tỏa giúp cải thiện các vấn đề xã hội khác như an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân từ mức 2.215 USD/ người/ năm năm 2016 đã tăng lên thành 2.750 USD/ người/ năm vào năm 2020 (Quốc Huy, 2021, Thành tựu kinh tế giai đoạn 2016 – 2020). Như vậy có thể thấy thu nhập của các nhóm dân cư đã tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo luôn thấp hơn so với nhóm giàu, do vậy, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm trong xã hội đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, xét theo hệ số GINI chung của cả nước thì có thể thấy bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam đang có xu hướng giảm khi chỉ số này từ 0,431 năm 2016 đã giảm xuống còn 0,373 vào năm 2020 (Tổng cục thống kê, 2021). Tại các khu vực do có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, trình độ sản xuất, kết cấu hạ tầng và trình độ dân trí, lợi thế so sánh nên GINI giữa các khu vực cũng có sự khác biệt. Có thể thấy GINI ở khu vực nông thôn đang cao hơn so với khu vực thành thị nhưng cả 2 khu vực này đang có xu hướng giảm khi ở khu vực thành thị là 0,391 (năm 2016) giảm còn 0,325 (năm 2020), và ở khu vực nông thôn là từ 0,408 xuống còn 0,373 (Tổng cục thống kê, 2021). Điều này đã giúp cho người dân ở khu vực thành thị dễ dàng hơn so với người dân ở khu vực nông thôn trong tiếp cận các cơ hội phát triển về trình độ học vấn, kỹ năng làm việc.

Hình 1: Hệ số GINI của các khu vực tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020

Nguồn: Tổng cục Thống kê 2020

Xét hệ số GINI của Việt Nam so với các nước:

          Mở rộng việc so sánh hệ số GINI khi so sánh chỉ tiêu này của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực cũng có thể thấy: chỉ số GINI ở mức 35,7 là tương đối thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Đây là một thành tựu quan trọng trong cải thiện bất bình đẳng mà không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được.

Hình 2: Chỉ số GINI của một số quốc gia năm 2019

Nguồn: WB (tháng 10/2021)

Xét về thu nhập bình quân đầu người theo các nhóm thu nhập trong giai đoạn 2016 – 2020

Bảng 1. Thu nhập bình quân đầu người/tháng theo 5 nhóm thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 (Đơn vị: Nghìn đồng)

 

Năm

Bình quân

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Nhóm 4

Nhóm 5

2016

3098

771

1516

2301

3356

7547

2018

3760

931

1808

2774

4110

9175

2020

4230

1139

2508

3509

4887

9108

Nguồn: Tổng cục Thống kê 2020

           Qua bảng 1 có thể thấy: thu nhập bình quân/tháng trong giai đoạn 2016 – 2020 của cả 5 nhóm thu nhập đều có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, thu nhập bình quân của nhóm 1 chỉ bằng 1/10 của nhóm 5, nhưng đến năm 2020 con số này đã được rút xuống còn 1/8. Điều này cho thấy, khoảng cách thu nhập bình quân giữa nhóm nghèo nhất và nhóm giàu nhất đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đây vẫn là một thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng đảm bảo công bằng xã hội của Việt Nam.

Xét về thu nhập bình quân đầu người của các khu vực theo các nhóm thu nhập trong giai đoạn 2016 – 2020

          Mặt khác, theo bảng 2 thì cho dù thu nhập của nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) năm 2020 có sự sụt giảm so với năm 2018, nhưng vẫn đang có một khoảng cách rất lớn giữa nhóm thu nhập này với nhóm 1 (nhóm gồm 20% dân số nghèo), cụ thể với mức thu nhập 9,108 triệu đồng/ người/ tháng năm 2020 thì thu nhập của nhóm 5 vẫn cao gấp hơn 8 lần so với mức 1,139 triệu đồng/tháng/ người của nhóm 1.

Bảng 2. Thu nhập bình quân đầu người của các khu vực theo các nhóm thu nhập trong giai đoạn 2016 – 2020

 

TNBQ/ người/tháng

(nghìn đồng)

So sánh nhóm 5/ nhóm 1 (lần)

Nhóm 1

Nhóm 5

Chung

 

 

 

2016

771

7547

9.8

2018

931

9175

10.2

2020

1139

9108

8.0

Thành thị

 

 

 

2016

1489

11276

7.6

2018

1843

13195

7.2

2020

2108

11192

5.3

Nông thôn

 

 

 

2016

676

5669

8.4

2018

827

7898

9.6

2020

932

7440

8.0

Nguồn: Tổng cục Thống kê 2020

          Đồng thời khi xem xét về thu nhập của các nhóm tại các khu vực cũng có sự phân hóa rất rõ rệt. Tại khu vực thành thị sự phân hóa giàu nghèo giữa nhóm thu nhập thấp nhất (nhóm 1) và thu nhập cao nhất (nhóm 5) giảm từ 7,6 lần năm 2016 xuống 7,2 lần năm 2018 và chỉ còn 5,3 lần năm 2020. Trong khi ở khu vực nông thôn khoảng cách giữa 2 nhóm đối tượng này là từ tăng từ 8,4 lần năm 2016 lên 9,6 lần năm 2018. Điều này cho thấy đang có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt của khu vực nông thôn so với khu vực thành thị.

          Từ đây có thể khẳng định trong những năm qua, thu nhập của các đối tượng dân cư đã không ngừng tăng lên, tuy nhiên khoảng cách thu nhập giữa các nhóm ngày càng xa, chênh lệch giàu nghèo cao đang là một thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng đảm bảo công bằng thu nhập mà Việt Nam đã đặt ra.

 Tỷ lệ hộ nghèo          

Bảng 3. Tỷ lệ hộ nghèo các khu vực của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 (Đơn vị: %)

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Chung

9,2

7,9

6,8

5,7

4,8

Thành thị

3,5

2,7

1,5

1,2

1,1

Nông thôn

11,8

10,8

9,6

8,0

7,1

Nguồn: Tổng cục thống kê 2020

          Trong giai đoạn 2016 – 2020 cả nước đã có 1.353.805 hộ/2.338.569 hộ nghèo đã thoát nghèo, chiếm 58%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm (Tổng cục thống kê, 2021). Tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước từ 9,2% năm 2016 giảm nhanh, liên tục qua các năm và chỉ còn 4,8% vào năm 2020 (Tổng cục thống kê, 2021). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở thành thị luôn thấp hơn ở nông thôn và có xu hướng giảm nhanh hơn ở khu vực nông thôn

          Điều này cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công cuộc tạo bình đẳng thu nhập như: Hệ số GINI của Việt Nam qua các năm có xu hướng giảm; so với các nước có cùng điều kiện phát triển thì hệ số GINI của Việt Nam được đánh giá tương đối thấp; Thu nhập của người dân không ngừng tăng lên ở tất cả các nhóm đối tượng; đồng thời tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm. Đây được xem là những tín hiệu lạc quan đối với Việt Nam trong thời gian tới.

          Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, quá trình đảm bảo công bằng trong thu nhập của Việt Nam cũng còn có một số hạn chế cần khắc phục ngay như: Đang có một khoảng cách rất lớn giữa các nhóm thu nhập hiện nay; khoảng cách thu nhập của khu vực nông thôn vẫn đang cao hơn hẳn so với khu vực thành thị; tỷ lệ hộ nghèo mặc dù đã giảm xuống nhưng so với các quốc gia trong khu vực vẫn còn đang ở mức cao. Bình đẳng thu nhập có liên quan chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, vừa phản ánh thực trạng phát triển xã hội; vừa là động lực cho tăng trưởng vì vậy Việt Nam cần có lộ trình tăng trưởng toàn diện (Hoàng Thị Minh Hà, 2022).

          Thứ nhất, Nhà nước cần ban hành các chính sách giúp ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ để giúp cho những người lao động có thêm thu nhập trong giai đoạn bị nghỉ việc, giãn việc do dịch bệnh Covid-19. Trước những tác động nặng nề của Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và việc thực hiện mục tiêu bình đẳng trong thu nhập nói riêng thì đây được xem là biện pháp có tính chất “dài hạn”.

          Thứ hai, ưu tiên đầu tư vào nguồn lực con người ở vùng nông thôn. Cụ thể cần có các hoạt động đầu tư giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động; miễn hoặc giảm học phí cho các khu vực khó khăn; thực hiện cải cách giáo dục; phát triển thị trường lao động đầy đủ và minh bạch thông qua các chính sách tạo việc làm cho khu vực nông thôn. Với những hoạt động đầu tư phát triển nguồn lực con người ở khu vực nông thôn như vậy thì mới có điều kiện để nâng cao năng suất lao động, từ đó tăng thêm thu nhập cho đối tượng này.

          Thứ ba, đầu tư và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, hợp lý. Với thực trạng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm thu nhập ngày càng nghiêm trọng thì Nhà nước cần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều ở tất cả các khu vực, tuy nhiên ưu tiên trọng điểm là các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Sử dụng linh hoạt các công cụ hỗ trợ miễn phí sang hỗ trợ có điều kiện như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất để tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Đồng thời, thiết kế hệ thống thuế sao cho không triệt tiêu động lực làm giàu của những người giàu; tăng đầu tư công vào những khu vực kém phát triển; đồng thời, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công cũng như cải thiện chất lượng các dịch vụ công, để các kết quả đầu tư đến với người dân, đặc biệt là nhóm người dân nghèo.

          Thứ tư, tăng cường biện pháp hỗ trợ đối tượng “yếu thế”. Thực tế đã cho thấy nhóm người nghèo và người nghèo là những đối tượng rất dễ bị tổn thương, nguy cơ tái nghèo rất dễ xảy ra. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường biện pháp hỗ trợ các đối tượng này như hỗ trợ về tài chính cho hộ gia đình nghèo, giảm bớt các chi phí cho giáo dục để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho người lao động nghèo; cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí; đào tạo nghề miễn phí cho lao động; cho vay vốn để mở rộng sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững.

          Trong những năm qua, với những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cũng như các cấp, các ngành nền kinh tế Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công, tạo ra được nhiều dấu ấn quan trọng. Tuy nhiên, bất bình đẳng trong thu nhập vẫn là một hạn chế cố hữu trong quá trình tiến tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 đối với kinh tế lẫn con người trong thời gian tới, thì đòi hỏi, Việt Nam cần phải có những chính sách đúng đắn và bước đi tích cực hơn để thực hiện thành công các mục tiêu về bình đẳng thu nhập mà Việt Nam đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021), Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Đảng cộng sản Việt Nam.

2. Hoàng Thị Minh Hà (2022), Định vị Việt Nam trong lộ trình tăng trưởng toàn diện, Viện chiến lược và chính sách tài chính.

3. Lê Quốc Việt (2020), Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc làm như thế nào, https://congthuong.vn/.

4. Lê Thị Mỹ Tâm & Bành Thị Vũ Hằng (2018), Giáo trình kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

5. Quốc Huy (2021), Thành tựu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020: Cơ đồ mới, tiềm lực mới, Thông tấn xã Việt Nam.

6. Tổ chức lao động quốc tế (2021), Chậm phục hồi việc làm và gia tăng bất bình đẳng có nguy cơ để lại vết sẹo COVID-19 lâu dài, ILO.

7. Tổ chức Liên hiệp quốc (2020), Báo cáo xã hội thế giới 2020.

8. Tổng cục thống kê (2021), Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.

9. Tổng cục thống kê (2021), Xu hướng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020.  


Bài viết khác