Marketing - Một trong những ngành học tốt và "hot" nhất hiện nay

Lĩnh vực Marketing được đánh giá là “ngành học không bao giờ lỗi thời” vì hứa hẹn về tăng trưởng trong cả quy mô hoạt động và vai trò trong kinh doanh. Hiện nay, tại Việt Nam, lĩnh vực Marketing đang phát triển rất mạnh mẽ, có rất nhiều chương trình truyền thông, hoạt động quảng cáo rầm rộ trên các hầu hết các phương tiện đặc biệt là các kênh Online. Marketing giờ đây đã trở thành một ngành học được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Vậy những đối tượng nào thì nên học Marketing và cơ hội việc làm của ngành này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu về ngành Marketing trong bài viết dưới đây để có một định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho tương lai của bạn nhé.

1. Tìm hiểu ngành Marketing

· Marketing là một hình thức không thể thiếu trong kinh doanh, bao gồm tất cả các hoạt động hướng tới khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ thông qua quá trình tiếp thị sản phẩm, phát triển thương hiệu.

· Đây là quá trình tạo dựng các giá trị từ khách hàng và mối quan hệ thân thiết với khách hàng nhằm mục đích thu về giá trị lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức từ những giá trị đã được tạo ra. Mục tiêu cao nhất của Marketing chính là trở thành chiếc cầu nối bền chặt giữa doanh nghiệp với khách hàng mục tiêu.

· Ngành Marketing đào tạo một cách hệ thống kiến thức nền tảng về Marketing hiện đại, bao gồm các khía cạnh: nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, tổ chức phân phối sản phẩm, định giá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện...

· Theo học ngành Marketing, sinh viên sẽ có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng, nghiên cứu thị trường; nghiên cứu hành vi tiêu dùng và nhu cầu khách hàng; hoạch định chiến lược quảng bá thương hiệu và phát triển sản phẩm hiệu quả; nhạy bén nhận biết cơ hội và thách thức trước các đối thủ cạnh tranh…

 

A hand holding a pen

Description automatically generated with medium confidence

2. Các chuyên ngành của Marketing

· Marketing Thương mại: Hiểu một cách đơn giản, Marketing Thương mại là quá trình tổ chức, quản lý và điều khiển các hoạt động nhằm tạo ra khả năng và đạt được mục tiêu tiêu thụ sản phẩm hiệu quả của một tổ chức, đơn vị để thỏa mãn một cách tốt nhất nhu cầu của nhà sản xuất, nhà thương mại và người tiêu thụ. Mục tiêu cuối cùng của Marketing thương mại đó là: Bảo đảm lợi nhuận có thể có của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình kinh doanh trên thị trường. Chuyên ngành này sẽ cung cấp những kiến thức chuyên sâu về: Hành vi khách hàng; Nghiên cứu marketing; Marketing quốc tế; Marketing tới các tổ chức (B2B) và quan hệ với khách hàng trong cung ứng giá trị; Truyền thông marketing và xúc tiến; Phân tích, ra quyết định, tổ chức triển khai các quyết định marketing sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến thương mại trong kinh doanh thương mại bán buôn, bán lẻ...

· Quản trị Marketing: Chuyên ngành này sẽ trang bị cho người học những kiến thức về quản lý, phương thức xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường mục tiêu, phân tích, lập kế hoạch, thực hiện và kiểm tra việc thi hành chiến lược Marketing... Các môn học của chuyên ngành Quản trị Marketing gồm: Quản trị sản phẩm, Nghiên cứu Marketing, Quản trị kênh phân phối, Digital Marketing, Marketing quốc tế, Marketing dịch vụ, Chiến lược Marketing cho thế giới mạng...

· Truyền thông Marketing: Chuyên ngành này sẽ đào tạo sâu về lĩnh vực truyền thông, các kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, quản trị doanh nghiệp, những kỹ năng chuyên sâu về truyền thông marketing, khả năng phân tích , dự báo nhu cầu thị trường về hành vi tiêu dùng xây dựng và phát triển thương hiệu... Các môn học tiêu biểu như: Truyền thông Marketing tích hợp, Chiến lược phương tiện truyền thông, Marketing trực tiếp, Xúc tiến bán hàng, Tổ chức sự kiện, Quản trị thương hiệu, Quảng cáo và thiết kế quảng cáo...

· Quảng cáo: Là chuyên ngành cung cấp những kiến thức chuyên sâu về hệ thống lĩnh vực truyền thông, tìm hiểu về cách thức để bảng bá một mặt hàng sản phẩm cụ thể là về quản trị khách hàng quảng cáo, chiến lược và chiến thuật phương tiện, quảng cáo trực tuyến, tổ chức sự kiện. Có thể kể đến một số môn học của chuyên ngành Quảng cáo như: Quản trị quảng cáo, Quảng cáo và xã hội, Chiến lược quảng cáo, Các xu hướng tiếp thị, Quản trị Marketing, Quản trị thương hiệu, Marketing online, Quan hệ công chúng...

· Quản trị Thương hiệu: Chuyên ngành này sẽ đào tạo những kiến thức chuyên môn về thương hiệu và quản trị thương hiệu, cách triển khai thực hiện các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu trong doanh nghiệp như xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, định vị thương hiệu… Theo học chuyên ngành Quản trị Thương hiệu, bạn sẽ được học các môn như: Quản trị thương hiệu; Nhượng quyền thương hiệu; Quan hệ công chúng; Quảng cáo và khuyến mại; Tổ chức sự kiện; Phát triển sản phẩm mới; Marketing dịch vụ...

3. Cơ hội việc làm ngành Marketing

Cơ hội việc làm ngành Marketing rất rộng mở, với chuyên môn về Marketing, bạn có thể dễ xin việc việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế như các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ, các cơ quan, tổ chức phi lợi nhuận. Công việc Marketing gắn liền với bộ phận nghiên cứu và phát triển, chăm sóc khách hàng, nghiên cứu thị trường...

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có đủ năng lực đảm nhận các vị trí trong ngành Marketing, từ chuyên viên cho đến quản lý tại các bộ phận, có khả năng cạnh tranh ở các vị trí sau:

· Chuyên viên tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực Marketing

· Chuyên viên nghiên cứu thị trường

· Chuyên viên chăm sóc khách hàng, quan hệ công chúng

· Chuyên viên phát triển và quản trị thương hiệu

· Giảng dạy, nghiên cứu về Quản trị Marketing, Marketing

Học ngành Marketing, ra trường bạn có thể làm việc tại:

· Doanh nghiệp hoạt động với các loại hình khác nhau như liên doanh, liên kết, TNHH; công ty, tập đoàn đa quốc gia

· Các công ty quảng cáo (Advertising agency)

· Công ty truyền thông (Media agency)

· Công ty nghiên cứu thị trường (Market research agency)

· Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo ngành Marketing

 

4. Mức lương ngành Marketing

Hiện nay tại các công ty, doanh nghiệp tùy theo cấp bậc cụ thể thì mức lương của ngành Marketing cũng sẽ có sự chênh lệch. Với vị trí Marketing Manager – giám đốc Marketing thì mức lương ở mức trung bình từ 40 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng trên tháng. Với trưởng phòng và trưởng nhóm Marketing thì mức lương trung bình từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng trên tháng. Và mức lương của nhân viên Marketing là từ 7 triệu đồng đến 15 triệu đồng trên tháng. 

5. Những tố chất cần có để theo học ngành Marketing

Để học tập và làm việc trong ngành Marketing, bạn cần có những tố chất sau:

· Năng động, tự tin, linh hoạt, có khả năng quan sát;

· Có đam mê kinh doanh;

· Có kỹ năng giao tiếp, khéo léo, biết lắng nghe và nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý, mong muốn của người khác;

· Có kỹ năng trình bày và thuyết phục người khác;

· Sáng tạo, ham học hỏi và tìm tòi thông tin, kiến thức về các lĩnh vực của đời sống, cả về kinh tế và văn hóa - xã hội…;

· Kiên trì, có kỹ năng làm việc nhóm.

Hy vọng, bài viết đã cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích về một trong những ngành học tốt và "hot" nhất hiện nay.

 


Bài viết khác