Công bố Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020

          (MPI) – Ngày 06/01/2022, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Báo cáo là kết quả của sự phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

          Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, trên cơ sở phương pháp tính Chỉ số phát triển con người (HDI) đang được các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế thống nhất áp dụng, Báo cáo đã thu thập thông tin đầu vào để biên soạn các chỉ tiêu tổng hợp HDI của cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương những năm 2016 - 2020.

          Báo cáo phân tích các chỉ tiêu HDI đã tính toán, tổng hợp, góp phần phản ánh động thái và thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước những năm vừa qua trên 3 tiêu chí quan hệ trực tiếp đến mỗi người dân, gồm sức khỏe, giáo dục và thu nhập. Ngoài ra, Báo cáo còn tập trung làm rõ phương pháp tính, nguồn số liệu sử dụng cũng như cung cấp các biểu tổng hợp kết quả tính Chỉ số phát triển con người của Việt Nam và 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016 - 2020.

          Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. Theo đó, Việt Nam từ Nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có HDI trung bình năm 2018 và những năm trước đó đã gia nhập Nhóm đạt mức cao trong năm 2019 và năm 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới tăng từ vị trí 118 năm 2018 lên 117 năm 2019 và có thể tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 khi UNDP cập nhật Bảng xếp hạng.

          Với mức độ đóng góp khác nhau, tăng trưởng HDI giai đoạn 2016-2020 của cả nước và 63 địa phương có sự đóng góp của cả 3 Chỉ số thành phần do các Chỉ số này cũng đạt được mức tăng và tốc độ tăng. Chỉ số sức khỏe của cả nước tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,823 năm 2017 và năm 2018; 0,825 năm 2019 và đạt 0,826 năm 2020. Chỉ số giáo dục 5 năm tương ứng đạt lần lượt là: 0,618; 0,621; 0,625; 0,641 và 0,640; Chỉ số thu nhập là: 0,624; 0,634; 0,648; 0,659 và 0,664.

          Nhìn chung các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đạt được HDI năm 2020 cao hơn năm 2016. Năm 2020, tuy không địa phương nào có HDI được xếp vào Nhóm 1, là nhóm đạt mức rất cao nhưng cũng không địa phương thuộc Nhóm 4, là Nhóm thấp nhất theo tiêu chuẩn phân chia nhóm của UNDP. Các địa phương đều thuộc Nhóm 3, là Nhóm có HDI ở mức trung bình và Nhóm 2, là Nhóm có HDI đạt mức cao. Đáng chú ý là, Nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 14 địa phương năm 2017; 18 địa phương năm 2018; 21 địa phương năm 2019 và 24 địa phương năm 2020.

          Nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao, khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần. Năm 2020, HDI bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất là 0,773, tăng 2,71% so với năm 2016. Trong khi đó, HDI của 10 địa phương có mức thấp nhất là 0,626, tăng 5,02%; gấp 1,85 lần tốc độ tăng bình quân của 10 địa phương đạt mức cao nhất. Do vậy, mức chênh lệch HDI bình quân của 10 địa phương đạt cao nhất so với 10 địa phương có mức thấp nhất đã giảm từ 26,38% năm 2016 xuống còn 23,61% năm 2020.

          Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu một số vấn đề đáng quan ngại trong phát triển con người của Việt Nam. Cụ thể, HDI của cả nước và hầu hết các địa phương đều tăng, nhưng tốc độ tăng thấp. Năm 2020, HDI của cả nước đạt 0,706, chỉ tăng 0,024 so với năm 2016 với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 0,9%. HDI của cả nước tuy đã chuyển từ Nhóm 3 lên Nhóm 2 nhưng mới ở mức thấp của Nhóm 2. Trong Bảng xếp hạng HDI thế giới, thứ hạng của Việt Nam cải thiện không nhiều và trong khu vực Đông Nam Á vẫn xếp thứ 7/11 quốc gia.

          Sự đóng góp của các Chỉ số thành phần vào cấu thành HDI không lớn. Chỉ số sức khỏe của cả nước năm 2020 chỉ tăng 0,004 so với năm 2016 với tốc độ tằng bình quân mỗi năm là 0,12%; Chỉ số giáo dục tăng 0,022 với tốc độ tăng 0,88%/năm; Chỉ số thu nhập tăng 0,040 với tốc độ tăng 1,57%/năm.

          HDI và các Chỉ số thành phần của nhiều địa phương vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Mặc dù đạt được tốc độ tăng tương đối cao trong những năm 2016-2020 vừa qua, nhưng HDI của tỉnh Lai Châu năm 2020 mới đạt 0,582, bằng 82,44% HDI của cả nước; tỉnh Hà Giang đạt 0,591, bằng 83,71%; tỉnh Điện Biên đạt 0,602, bằng 85,27%; tỉnh Gia Lai đạt 0,624, bằng 88,39%.

          Trước thực trạng đó, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra một số đề xuất một số kiến nghị cụ thể. Một là, HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương. Đồng thời, dựa trên kết quả tính HDI, cần xây dựng một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả; đặc biệt là các giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.

          Hai là, trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ tăng cường biên soạn và công bố HDI và Báo cáo phát triển con người (HDR) của cả nước và 63 địa phương. Ngoài nỗ lực của Tổng cục Thống kê rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin đầu vào biên soạn HDI và HDR.

          Ba là, Báo cáo HDR của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 có một số khác biệt về số liệu HDI trong HDR hằng năm của UNDP; chủ yếu do các tổ chức quốc tế cung cấp số liệu đầu vào cho UNDP chưa cập nhật số liệu chính thức hoặc số liệu điều chỉnh của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, khác biệt không lớn. Tổng cục Thống kê đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng những thông tin HDI đã thu thập, tổng hợp trong Báo cáo này và đóng góp ý kiến để việc biên soạn các Báo cáo phát triển con người của Việt Nam tiếp theo hoàn thiện hơn./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=52698&idcm=188


Bài viết khác