Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự Hội nghị Tập huấn về nghiệp vụ thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm

          Ngày 25/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Hội nghị tập huấn trực tuyến về nghiệp vụ công tác thanh tra nội bộ đối với cơ sở giáo dục Đại học, trường Cao đẳng sư phạm” năm 2021. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị, cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị

          Tham dự tại điểm cầu Trường Đại học Kinh tế Nghệ An có TS. Trương Quang Ngân – Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường; Bà Đinh Thị Thu Hương – Trưởng phòng Thanh tra- Kiểm tra và Quản lý chất lượng cùng các thành viên trong phòng; Ban thanh tra nhân dân.

Điểm cầu Trường Đại học Kinh tế Nghệ An tham dự hội nghị

          Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra. Theo Thứ trưởng, người chỉ đạo công tác thanh tra và người làm công tác thanh tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Để hoạt động thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả tốt nhất cần tránh những biểu hiện nể nang, né tránh trong công tác thanh tra, kiểm tra.

          Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị lãnh đạo các trường nâng cao nhận thức, xác định rõ ý nghĩa, vai trò, mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra tạo được động lực và điều kiện để hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục Đại học phát huy hiệu quả, chất lượng. Đồng thời, cần quan tâm tới công tác tuyên truyền về hoạt động thanh tra, nâng cao sự nhận thức của mọi người trong cơ sở giáo dục Đại học, trường Cao đẳng sư phạm; tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ làm công tác thanh tra. “Từng cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác thanh tra sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của nhà trường và góp phần đưa giáo dục đại học phát triển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

          Trong khuôn khổ Hội nghị, các báo cáo viên tập trung vào năm nhóm vấn đề liên quan đến công tác thanh tra gồm các chuyên đề được trình bày trong hội nghị bao gồm:

Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Đức Cường hướng dẫn tực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học 2021 – 2022

          Tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường làm rõ hơn định hướng của công tác thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học/ trường cao đẳng sư phạm năm học 2021 – 2022 theo các công văn 4555 (năm 2021) và 4901 (năm 2020) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

          TS. Nguyễn Huy Hoàng, Thanh tra viên cao cấp – Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ thanh tra trao đổi về những điểm mới trong công tác xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân; Công tác phòng chống tham nhũng trong cơ sở giáo dục Đại học, Trường Cao đẳng sư phạm.

TS. Nguyễn Huy Hoàng -Phó Hiệu trưởng trường cán bộ thanh tra trình bày chuyên đề trong hội nghị

          Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Thanh Tùng trao đổi về thực hiện Kế hoạch thanh tra nội bộ theo năm học; nội dung thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo quản lý văn bằng chứng chỉ, các điều kiện đảm bảo chất lượng.

          Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Thế Cường trao đổi về thực trạng và một số hạn chế trong công tác tiếp công dân; xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các cơ sở giáo dục Đại học, trường Cao đẳng sư phạm.

Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Thế Cường trình bày chuyên đề tại hội nghị

          Hội nghị cũng dành thời gian để đại biểu tại các điểm cầu cùng thảo luận, trao đổi, hỏi đáp các vấn đề cần làm rõ. Cùng với đó là công bố Quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Các điểm cầu thảo luận trong hội nghị

          Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị việc tập huấn không chỉ là truyền đạt một chiều mà báo cáo viên cần khích lệ, động viên đại biểu tham dự trao đổi, phản ánh lại những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về thanh tra nội bộ. Đây vừa là dịp hướng dẫn chuyên môn, nhưng đồng thời cũng để khảo sát, cập nhật thêm thông tin, từ đó có sự chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản, quy định (nếu cần thiết) để phù hợp, hiệu quả hơn với yêu cầu thực tế.

Tin bài: Kim Dung


Bài viết khác